Tràn dịch khớp gối là một tình trạng xương khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, gây ra đau đớn và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng lúc. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các triệu chứng nhận biết là gì, và phương pháp điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
1. Tràn dịch khớp gối là gì?
Bệnh tràn dịch khớp gối là tình trạng dịch ở khớp gối tiết ra bị dư thừa so với bình thường. Dịch này tích tụ lại bên trong hoặc xung quanh vị trí khớp. Ban đầu, bệnh chỉ có những triệu chứng nhẹ, hạn chế vận động. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân sẽ phải chịu nhiều đau đớn hơn và không thể hoạt động được thường xuyên.
Thực tế, tràn dịch khớp gối không gây nguy hiểm đến tính mạng con người trong trường hợp phát hiện và can thiệp sớm. Ngược lại, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể trở nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ cứng khớp, dính khớp, nặng nhất là bại liệt vĩnh viễn.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến tràn dịch khớp gối?
Tình trạng dịch ở khớp gối dư thừa và tích tụ có thể được hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số tác nhân chính được các chuyên gia xương khớp chỉ ra:
-
Chấn thương: nếu bạn có tiền sử bị chấn thương trước đó và không điều trị dứt điểm hoàn toàn, hiện tượng tràn dịch khớp gối có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
-
Tràn dịch khớp gối bệnh học: Các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp, gout, viêm khớp, viêm khớp dạng thấp,.. cũng là tác nhân khiến cho hiện tượng tràn dịch khớp gối xuất hiện.
-
Nhiễm khuẩn: Các vi khuẩn xâm nhập vào khớp cũng có thể làm tràn dịch khớp gối xảy ra. Những vi khuẩn điển hình có thể kể đến như vi khuẩn lao, Mycoplasma, virus, nấm,…
-
Tuổi tác: Thường tuổi càng cao, xương khớp càng dễ bị lão hóa và tổn thương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khớp gối bị tràn dịch.
-
Béo phì: Cơ thể tăng cân đột ngột, trọng lượng dư thừa sẽ làm áp lực tăng lên ở khớp gối, gây ra tình trạng cơ viêm xương khớp, tràn dịch khớp gối.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng các chuyên gia cho biết, người bệnh cần thiết phải xác định được chính xác nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối của mình. Bởi chỉ khi đó mới có thể lên được phác đồ điều trị phù hợp, giúp xử lý bệnh một cách nhanh chóng nhất.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh tràn dịch khớp gối
Thông thường, các triệu chứng của tràn dịch khớp gối không được rõ ràng, gần giống với các cơn đau bình thường hoặc các bệnh xương khớp khác. Đây là tác nhân khiến cho đại đa số người bệnh đều phát hiện khá muộn, khiến cho bệnh tiến triển xấu và bỏ qua thời điểm điều trị bệnh tốt nhất.
Bạn có thể nhận biết tràn dịch khớp gối thông qua một số triệu chứng lâm sàng như sau:
-
Vùng khớp gối sưng đỏ, phù nề. Nếu so sánh, bạn dễ dàng nhìn thấy gối đau to hơn so với gối bên còn lại.
-
Khớp gối bị cứng, khó duỗi thẳng chân hoặc uốn cong chân, khiến cho việc vận động thường ngày trở nên khó khăn hơn.
-
Vùng gối thường ấm, nóng hơn so với bình thường.
Hãy nhanh chân đến ngay các cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán bệnh tràn dịch khớp gối sớm nhất có thể nếu bạn phát hiện ra các triệu chứng kể trên. Bệnh khi được can thiệp càng sớm hiệu quả điều trị sẽ càng cao.
4. Một số câu hỏi liên quan đến bệnh tràn dịch khớp gối
Chắc hẳn, mỗi người khi phát hiện mình đang có bệnh gì đó đều không khỏi lo lắng và mong muốn tìm hiểu thật kỹ về căn bệnh này. Với người bệnh tràn dịch khớp gối cũng vậy. Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến mà hầu hết bệnh nhân nào cũng thắc mắc mà chúng tôi tổng hợp được.
Tràn dịch khớp gối có tự khỏi không?
Câu hỏi tràn dịch khớp gối có tự khỏi không được rất nhiều người bệnh đặt ra và mong muốn có câu trả lời. Thực tế, căn bệnh này không thể tự chữa khỏi. Tuy nhiên, thay vào đó bạn có thể áp dụng nhiều biện pháp điều trị khác nhau để cải thiện bệnh.
Về thời gian điều trị khỏi bệnh tràn dịch khớp gối có sự linh hoạt ở mỗi cá nhân bệnh nhân bởi cơ địa và mức độ bệnh của mỗi người là khác nhau.
Tràn dịch khớp gối có nên chườm đá?
Chườm đá là cách mọi người thường áp dụng để giảm đau khi bị tràn dịch khớp gối. Cách này giúp giảm đau nhức, phù nề và sưng viêm an toàn, không tốn chi phí. Bạn có thể thực hiện mỗi khi thấy có dấu hiệu đau, mỗi lần chườm khoảng 30 phút và một ngày không nên chườm quá 4 lần.
Cần lưu ý khi chườm đá cần được bọc bằng túi hoặc khăn để tránh tình trạng bỏng lạnh. Nhiệt độ quá lạnh có thể khiến vị trí khớp bị tràn dịch khó chịu hơn.
Tràn dịch khớp gối có nên xoa bóp không?
Câu trả lời là có, bạn có thể xoa bóp một cách nhẹ nhàng khi cơn đau xuất hiện giúp máu lưu thông tốt hơn. Đây cũng là một cách để giảm đau hữu hiệu, dễ làm và không tốn quá nhiều chi phí.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên thực hiện động tác này khi đau và không nên lạm dụng nó quá nhiều. Các thao tác cần nhẹ nhàng, tránh gây áp lực và đau đớn cho vị trí khớp gối lúc bấy giờ. Cách tốt nhất bạn nên kết hợp sử dụng thêm thuốc hoặc các giải pháp điều trị khác cho hiệu quả cao và toàn diện hơn.
Tràn dịch khớp gối kiêng gì?
Với người bệnh tràn dịch khớp gối, việc xây dựng chế độ ăn uống điều độ, khoa học là vô cùng cần thiết. Bạn có thể tham khảo các nhóm thực phẩm nên ăn và nên kiêng dưới đây.
Thực phẩm tốt với người tràn dịch khớp gối:
-
Thịt lợn, thịt vịt, thịt gà
-
Các loại cá giàu Omega 3
-
Hoa quả giàu vitamin C
-
Rau xanh
-
Ngũ cốc
Các thực phẩm người tràn dịch khớp gối cần tránh:
-
Nội tạng động vật
-
Chất kích thích
-
Nhóm thịt đỏ động vật
-
Đồ nếp, xôi, bánh chưng, bánh rán,…
-
Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.
Tràn dịch khớp gối uống thuốc gì?
Với câu hỏi tràn dịch khớp gối uống thuốc gì, bạn có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc dưới đây:
-
Nhóm thuốc giảm đau: các loại phổ biến trong nhóm này gồm có Acetaminophen, Tylenol, Ibuprofen, Ketoprofen,.. giúp người bệnh xoa dịu các cơn đau đớn do bệnh gây ra.
-
Nhóm thuốc kháng sinh: Đây được biết đến là giải pháp hàng đầu cho người tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên, khi dùng thuốc có chứa kháng sinh, người bệnh cần được bác sĩ chỉ định đúng loại thuốc phù hợp.
-
Nhóm thuốc kháng viêm: Thuốc phổ biến nhất là corticosteroid, dùng được bằng đường uống và đường tiêm.
Với việc sử dụng thuốc điều trị tràn dịch khớp gối, người bệnh nên đi khám và tham khảo ý kiến từ bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ý ra ngoài hiệu thuốc mua và sử dụng. Nếu dùng không đúng cách và đúng liều, bệnh có thể trở nặng hơn và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.
5. Tràn dịch khớp gối và cách điều trị
Ngoài sử dụng thuốc điều trị tràn dịch khớp gối, còn có rất nhiều phương pháp khác cho hiệu quả cao và được nhiều người áp dụng. Cụ thể như:
Nẹp đầu gối
Sử dụng nẹp để cố định đầu gối hoặc hỗ trợ vận động sẽ giúp hạn chế sự di chuyển của đầu gối. Cách này giúp giảm đau hiệu quả cũng như tránh được những tổn thương không đáng có.
Nếu bạn có ý định dùng nẹp, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được loại nẹp phù hợp.
Chọc hút dịch khớp
Với lượng dịch bị dư thừa ở vị trí khớp gối, các bác sĩ có thể dùng dụng cụ chuyên dụng để chọc hút bớt các chất dịch ra bên ngoài. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm thêm Steroid để giảm viêm sưng.
Phương pháp này cho hiệu quả nhanh chóng nhưng lại chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định. Tình trạng tràn dịch khớp gối sẽ tiếp tục xuất hiện trở lại. Đặc biệt, nếu quá trình chọc hút không được đảm bảo kỹ thuật và vô trùng, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng cao.
Phẫu thuật khớp gối
Với trường hợp tràn dịch khớp gối tiến triển nặng và không đáp ứng với các cách điều trị nêu trên, người bệnh có thể chuyển hướng sang phương pháp phẫu thuật. Hiện có các cách phẫu thuật sau:
-
Mổ nội soi khớp: Bác sĩ sử dụng ống ánh sáng đưa vào khớp gối giúp sửa chữa lại vị trí các khớp gặp vấn đề và phục hồi tổn thương sụn khớp.
-
Phẫu thuật thay khớp gối: Đây là lựa chọn cuối cùng của các bác sĩ với người bị tràn dịch khớp gối nặng. Phương pháp này chi phí cao và cần nhiều thời gian phục hồi.
6. Biện pháp phòng ngừa tràn dịch khớp gối tái phát trở lại
Bệnh tràn dịch khớp gối không chỉ gây đau đớn mà việc điều trị cũng vô cùng phức tạp. Vì vậy, người bệnh nên có biện pháp điều trị và phòng ngừa từ sớm. Dưới đây là một số gợi ý các chuyên gia xương khớp đưa ra:
-
Người bệnh cần kiên trì áp dụng các biện pháp điều trị có tác dụng giảm đau và ngăn ngừa biến chứng bệnh.
-
Nghiêm túc trong việc xây dựng chế độ ăn uống phù hợp. Người bệnh cần tập trung bổ sung những thực phẩm tốt cho xương khớp và hạn chế thực phẩm có hại như chúng tôi đã có đề cập ở phía trên.
-
Tránh vận động mạnh và chơi các môn thể thao mạo hiểm khi người bệnh có tiền sử tràn dịch khớp gối. Các thói quen này sẽ khiến cho tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình điều trị.
-
Tạo thói quen thường xuyên thăm khám sức khỏe để kiểm soát bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tràn dịch khớp gối là bệnh xương khớp nguy hiểm, gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, nhất là người già. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nên người bệnh cần tỉnh táo, tuyệt đối không được chủ quan nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Chúc bạn luôn khỏe mạnh.