Điều trị viêm khớp dạng thấp: Tìm hiểu các loại thuốc và phương pháp điều trị

Viêm khớp dạng thấp thường khởi phát trong độ tuổi từ 30 đến 60, nhưng thực tế, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Để giúp giảm đau, giảm viêm, ngăn ngừa tổn thương khớp và cải thiện chất lượng cuộc sống, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp, bao gồm các loại thuốc và phương pháp trị liệu hiệu quả. Người bệnh có thể tham khảo để bổ sung thông tin hữu ích trong quá trình điều trị.

1. Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị và quản lý hiệu quả bằng thuốc và thực hiện các chăm sóc, tự quản lý bệnh tại nhà.

Người bệnh có thể được kê các loại thuốc làm chậm quá trình diễn tiến bệnh, ngăn ngừa biến dạng khớp đồng thời giảm đau khớp, sưng và viêm.

Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp thường được chia thành 2 loại chính:

  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
  • Thuốc chống thấp khớp sinh học (DMARDs sinh học)
Viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị và quản lý hiệu quả bằng thuốc và thực hiện các chăm sóc, tự quản lý bệnh tại nhà.

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)

Người bệnh được chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp sẽ được chỉ định sử dụng thuốc DMARD như một phần trong quá trình điều trị ban đầu. Những loại thuốc này làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, làm chậm tiến trình phá hủy sụn khớp.

Nhóm thuốc DMARD kinh điển có thể được sử dụng bao gồm:

  • Methotrexat
  • Leflunomide
  • Hydroxychloroquine
  • Sulfasalazine

Methotrexate thường là loại thuốc đầu tiên được dùng cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, thường kết hợp với một loại DMARD khác và một đợt ngắn steroid (corticosteroid) để giảm đau.

Người bệnh có thể phải thử 2 hoặc 3 loại DMARD trước khi tìm được loại phù hợp nhất với mình.

Thuốc chống thấp khớp sinh học (DMARDs sinh học)

Trong các trường hợp bệnh nặng hay kháng trị với DMARDs, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các thuốc chống thấp khớp sinh học (DMARDs sinh học).

DMARDs sinh học được chứng minh có hiệu quả cải thiện lâm sàng đồng thời ngăn chặn sự tiển triển của tình trạng phá hủy khớp, giúp bảo tồn chức năng khớp cho bệnh nhân.

Thuốc giảm đau

Ngoài các loại thuốc dùng để kiểm soát sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh cũng có thể cần dùng một số loại thuốc giảm đau để giảm triệu chứng như Acetaminophen, Tramadol, Ibuprofens Aspirins.

Tuy nhiên người bệnh chỉ nên uống thuốc khi có sự hướng dẫn của bác sĩ vì khi phối hợp thuốc có thể làm tăng nặng tác dụng phụ của thuốc hoặc giảm tác dụng điều trị của thuốc.

Thuốc kháng viêm

Những loại thuốc này dùng để điều trị triệu chứng viêm khớp dạng thấp, có thể giúp giảm đau đồng thời giảm viêm ở khớp, nhưng không ngăn được tình trạng viêm khớp dạng thấp trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): được chỉ định dùng ở giai đoạn sớm, viêm ít khớp, mức độ viêm nhẹ. Cần lưu ý các tác dụng phụ và tuân thủ nguyên tắc sử dụng NSAIDs.
  • Corticoid: dùng phổ biến hơn, sưng viêm nhiều khớp mức độ trung bình đến nặng, đáp ứng giảm viêm nhanh và mạnh hơn NSAIDs. Nhưng tác dụng phụ nhiều hơn.
Thuốc chống viêm được chỉ định dùng ở giai đoạn sớm, viêm ít khớp, mức độ viêm nhẹ
Thuốc chống viêm được chỉ định dùng ở giai đoạn sớm, viêm ít khớp, mức độ viêm nhẹ

2. Các phương pháp điều trị hỗ trợ khác

  • Vật lý trị liệu: Tập vật lý trị liệu có thể giúp người bệnh cải thiện thể lực và sức mạnh cơ bắp, đồng thời làm hạn chế cứng khớp, biến dạng khớp.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp dù đã dùng thuốc nhưng không thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình biến dạng các khớp ngón tay, ngón chân sẽ được chỉ định phẫu thuật để chỉnh hình cũng như cải thiện chức năng sử dụng khớp.
  • Bổ sung dinh dưỡng và thay đổi chế độ ăn uống:
    • Không có bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy những thay đổi trong chế độ ăn uống có thể cải thiện bệnh viêm khớp dạng thấp, mặc dù vậy một số người bệnh cảm thấy các triệu chứng viêm khớp dạng thấp trở nặng sau khi ăn một số loại thực phẩm.
    • Nếu bạn gặp phải trường hợp này, nên thử tránh những thực phẩm có vấn đề trong vài tuần để xem các triệu chứng có cải thiện hay không.
    • Tuy vậy, lưu ý quan trọng là thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Ví dụ có thể bổ sung Canxi và Vitamin D giúp ngăn ngừa loãng xương nếu bạn đang dùng steroid và bổ sung Axit Folic có thể giúp ngăn ngừa một số tác dụng phụ của Methotrexate.

Điều trị viêm khớp dạng thấp là một quá trình phức tạp và cần được cá nhân hóa theo từng trường hợp người bệnh. Hơn nữa, các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là ức chế miễn dịch, dẫn đến nhiễm trùng và kích hoạt lại các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn. Do đó cần quản lý chặt chẽ, trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và điều trị hiệu quả nhất.