Viêm Đa Khớp Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Chữa

Viêm đa khớp là một bệnh lý xương khớp mãn tính, gây đau nhức và tổn thương tại nhiều khớp trên cơ thể. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh này có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Do đó, hiểu rõ về viêm đa khớp cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả là vô cùng cần thiết để chủ động phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng.

1. Viêm đa khớp là gì? 

Viêm đa khớp thực tế không phải là một tên bệnh cụ thể. Đây là một thuật ngữ mô tả tình trạng tổng quát, chỉ nhiều triệu chứng viêm ở các ổ khớp trên cơ thể.

Hiện tượng viêm đa khớp dễ xuất hiện ở những vị trí khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân, gối, vai,… Đây là một dạng bệnh lý mãn tính, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Tỷ lệ người mắc phải bệnh này tương đối cao, theo thống kê ở Việt Nam, 100 người thì có khoảng 20 người bị viêm đa khớp.

Mặc dù không phân biệt đối tượng cụ thể nhưng theo các bác sĩ chỉ ra, dưới đây là những đối tượng chính dễ mắc phải bệnh viêm đa khớp:

  • Người trung niên, người cao tuổi.

  • Nữ giới

  • Người bị di truyền từ cha mẹ, ông bà.

  • Những người có thói quen sống và sinh hoạt kém lành mạnh.

Viêm đa khớp dễ xuất hiện ở những vị trí khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân, gối, vai,…

2. Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh viêm đa khớp 

Bệnh này còn được nhiều người gọi với cái tên khác là viêm đa khớp dạng thấp. Việc xác định được chính xác triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh là vô cùng quan trọng. Điều này giúp xác định đúng bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp.

Triệu chứng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp 

Triệu chứng của bệnh nặng hay nhẹ, tần suất nhiều hay ít phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Thông thường, khi mới ở thời điểm khởi phát, các biểu hiện không được rõ ràng và ít khó chịu hơn khi bệnh toàn phát. Cụ thể, bệnh gây ra những triệu chứng dưới đây:

  • Đau khớp: Hiện tượng đau nhức là dấu hiệu điển hình của bệnh, xuất hiện trực tiếp tại vùng khớp bị tổn thương. Các cơn đau thường kéo dài dai dẳng, mức độ đau tăng dần theo thời gian. Đau nhiều nhất là về đêm và sáng sớm hoặc mỗi khi thời tiết trở lạnh.

  • Cứng khớp: Hiện tượng cứng khớp, khó co duỗi và cử động thường xảy ra do phần đầu sụn khớp bị tổn thương. Sau một đêm dài ngủ, khớp không được vận động thường gây cứng vào sáng sớm khi ngủ dậy. Để cải thiện, bệnh nhân phải massage khoảng 10 – 15 phút để khớp mềm ra.

  • Sưng nóng, đỏ da: Vùng khớp bị viêm nóng đỏ và sưng tấy. Các vùng đầu ngón tay, ngón chân, đầu gối,… thường có triệu chứng này rõ nhất.

  • Khớp kêu lục khục khi di chuyển: Mỗi khi vận động, vị trí khớp bị viêm sẽ phát ra tiếng kêu lục khục do đầu khớp bị tổn thương va chạm vào nhau.

  • Triệu chứng khác: tê bì đầu các chi, sốt, mệt mỏi, khó thở, chán ăn, mất ngủ,…

Nguyên nhân gây bệnh viêm đa khớp 

Bệnh viêm đa khớp xuất hiện do nhiều yếu tố tác động khác nhau, trong đó có những nguyên nhân chính dưới đây:

  • Viêm nhiễm virus: Các loại virus như viêm gan, quai bị, HIV, Sởi, virus Ross River,…

  • Các bệnh lý về xương khớp: người bị viêm khớp đối xứng hoặc viêm khớp không đối xứng, thoái hóa khớp, bệnh viêm mạch máu,… thường bị viêm đa khớp.

  • Do di truyền: Theo thống kê, thường những người có cha mẹ hoặc ông bà từng có tiền sử mắc bệnh viêm đa khớp sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

  • Giới tính: Nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp cao hơn nam giới.

  • Thói quen sinh hoạt: Thường xuyên sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, hút thuốc lá,… có thể tăng nguy cơ mắc viêm đa khớp.

  • Nguyên nhân khác: Nhiệt độ lạnh, môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy nhược,…

3. Những biến chứng nguy hiểm của viêm đa khớp

Viêm đa khớp là căn bệnh không chỉ gây ra hiện tượng đau nhức khó chịu mà nếu để lâu dài còn có thể gây biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, những biến chứng phổ biến có thể kể đến như:

  • Suy giảm khả năng vận động.

  • Các khớp bị biến dạng, teo cơ.

  • Thần kinh ngoại biên bị tổn thương.

  • Nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn.

  • Nặng nhất có thể bị bại liệt, tàn phế.

Viêm đa khớp là căn bệnh mãn tính nên việc điều trị dứt điểm là rất khó. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp phát hiện sớm và can thiệp điều trị phù hợp, tỷ lệ cải thiện gần như tuyệt đối.

4. Cách điều trị viêm đa khớp dạng thấp 

Với bệnh viêm đa khớp dạng thấp, người bệnh có thể áp dụng một số cách điều trị đơn giản, cho hiệu quả cao dưới đây:

Vật lý trị liệu 

Đây là cách điều trị viêm đa khớp an toàn và cho hiệu quả cao, có thể dùng song song với các biện pháp khác. THông qua vật lý trị liệu, tình trạng đau nhức, sưng viêm sẽ được giảm đáng kể, đồng thời hỗ trợ phục hồi chức năng xương khớp.

Những thao tác vật lý trị liệu điều trị viêm đa khớp phổ biến gồm:

  • Châm cứu, bấm huyệt

  • Nhiệt trị liệu

  • Chườm nóng, chườm lạnh.

  • Xoa bóp trực tiếp tại vị trí khớp

  • Các bài tập vật lý trị liệu khác.

Vật lý trị liệu là cách điều trị viêm đa khớp an toàn và cho hiệu quả cao

Chữa viêm đa khớp bằng thuốc nam 

Những người bị bệnh ở giai đoạn khởi phát, cơn đau nhẹ có thể tham khảo sử dụng thuốc nam để điều trị. Nguyên liệu chính thường là thảo dược tự nhiên, quen thuộc có sẵn trong vườn nhà có dược tính giúp giảm đau. Một số bài thuốc nam điển hình gồm:

  • Gừng tươi: Dùng gừng rửa sạch, cạo vỏ và giã nhuyễn. Sau đó sao nóng lên và đắp vào vùng bị đau đến khi nguội.

  • Nha đam (Lô hội): Dùng 1 – 2 bẹ lô hội rửa sạch, bóc lấy phần thịt và đắp lên vị trí bị viêm.

  • Lá bạch đàn: Dùng lá bạch đàn tươi rửa sạch và đem sao nóng, đắp lên khớp bị viêm đau.

  • Lá lốt: Dùng lá lốt đã rửa sạch đun với nước để lấy nước uống hàng ngày.

Giải pháp điều trị này có ưu điểm là an toàn, lành tính, không gây tác dụng phụ và chi phí thấp. Tuy nhiên, chỉ có tác dụng giảm đau ngắn hạn, không thể chữa được dứt điểm các triệu chứng của bệnh. Nếu người bệnh bị đau nhiều, nặng nên tìm giải pháp khác thay vì dùng thuốc nam.

Sử dụng thuốc Tây điều trị viêm đa khớp 

Viêm đa khớp uống thuốc gì? Chắc chắn không thể bỏ qua thuốc Tây – giải pháp giúp giảm đau và kháng viêm nhanh chóng, hiệu quả. Dựa trên mức độ bệnh và nguyên nhân hình thành bệnh, các bác sĩ có chuyên môn sẽ lựa chọn kê loại thuốc phù hợp dưới đây:

  • Thuốc giảm đau: Acetaminophen, Paracetamol,…

  • Thuốc chống viêm không steroid: Aspirin, Ibuprofen,…

  • Thuốc ức chế miễn dịch: Hydroxychloroquine, Methotrexate,….

  • Thuốc Corticoid dạng uống hoặc tiêm: Chỉ dùng với trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng các loại thuốc nêu trên.

Thuốc Tây mặc dù cho tác dụng nhanh nhưng lại có nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó, khi dùng thuốc, người bệnh cần thận trọng dùng đúng theo chỉ dẫn bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều hoặc ngừng giữa chừng khi chưa được đồng ý. Điều này có thể dẫn đến khả năng tái phát bệnh cao.

Dùng thuốc Đông y chữa viêm đa khớp 

Xu hướng dùng thuốc Đông y trị bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến. Thuốc Đông y an toàn, không gây tác dụng phụ và cho hiệu quả cao, bền vững. KHi sử dụng thuốc này, người bệnh cần tìm được cho mình địa chỉ và thầy thuốc uy tín, có tâm để được kê thuốc chuẩn, phù hợp với tình trạng bệnh của mình.

Một số thảo dược thường được dùng bào chế thuốc Đông y trị bệnh viêm đa khớp là phòng phong, Gối hạc, dây đau xương, bách bộ, hy thiêm,…

Phẫu thuật 

Nếu như triệu chứng bệnh viêm đa khớp ngày càng nặng và không cải thiện với những giải pháp nêu trên, người bệnh có thể nghiên cứu chuyển sang phẫu thuật. Phương pháp này giúp nhanh chóng loại bỏ được phần khớp đã bị tổn thương. Tuy nhiên, xét về chi phí và rủi ro đều cao hơn so với việc dùng thuốc.

Những biện pháp phẫu thuật viêm đa khớp phổ biến hiện nay:

  • Thay thế khớp thật bằng khớp nhân tạo

  • Loại bỏ màng hoạt dịch

  • Hợp nhất khớp

  • Phẫu thuật chỉnh hình (dùng trong trường hợp khớp bị biến dạng).

5. Viêm đa khớp kiêng ăn gì? 

Để trị bệnh nhanh chóng, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh nên xây dựng cho mình một kế hoạch ăn uống, sinh hoạt hợp lý, khoa học. Chuyên gia xương khớp khuyên bệnh nhân nên ăn và kiêng những thực phẩm sau:

Nên ăn:

  • Thực phẩm giàu canxi: Tôm, cua, sữa, ngũ cốc,…

  • Bổ sung thực phẩm giàu omega-3: hạt óc chó, cá ngừ, cá hồi,…

  • Rau xanh: cải bẹ, cải bó xôi, bông cải xanh,…

  • Ăn trái cây tươi: Dâu tây, anh đào, cam, quýt, bưởi,…

  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Khoai lang, đu đủ, bí ngô,…

Viêm đa khớp kiêng ăn gì? Cụ thể:

  • Thịt đỏ: Các loại thịt có màu đỏ như thịt trâu, bò, cừu,…

  • Đồ mặn/ngọt: Những đồ nhiều muối như cải muối chua, đồ đóng hộp, bánh ngọt, mứt,…

  • Đồ dầu mỡ, cay nóng

  • Đồ uống có ga, thuốc lá, cà phê, rượu bia,…

người bệnh nên xây dựng cho mình một kế hoạch ăn uống, sinh hoạt hợp lý, khoa học
Người bệnh viêm đa khớp nên xây dựng cho mình một kế hoạch ăn uống, sinh hoạt hợp lý, khoa học

6. Cách phòng, ngừa bệnh viêm đa khớp dạng thấp 

Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những biến chứng của viêm đa khớp vô cùng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người bệnh. Vì vậy, các chuyên gia khuyên mọi người cần chú ý bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh xuất hiện bằng những biện pháp sau:

  • Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày. Những bộ môn tốt nên tập như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga,…

  • Giữ ấm cơ thể vào mùa đông. Nếu bị đau vào mùa lạnh nên chườm ấm.

  • Duy trì cân nặng hợp lý để hạn chế tạo áp lực lên các khớp.

  • Hạn chế bẻ ngón tay, ngón chân.

  • Không mang vác vật nặng, đứng hoặc ngồi quá lâu.

  • Ăn uống, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp.

  • Tạo thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời và có những phương án điều trị thích hợp.

Trên đây là tất cả những thông tin liên quan đến viêm đa khớp chúng tôi muốn gửi đến quý vị bạn đọc. Thông qua đây, chúng tôi hy vọng có thể giúp bạn hiểu thêm về bệnh để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình.